Uống nhiều bia rượu, ngồi làm việc quá lâu trong văn phòng, ít vận động hay tập thể thao quá sức… là những thói quen có hại góp phần làm bệnh cơ xương khớp xuất hiện và làm nặng bệnh

Sau 2 tuần tổ chức, chuyên mục "Tư vấn các bệnh về khớp" đã nhận được gần 2.000 câu hỏi của độc giả, trong đó hơn 400 câu đã được các chuyên gia trả lời. Bệnh lý cơ xương khớp là vấn đề sức khỏe được người đọc rất quan tâm, vì sự phổ biến và hậu quả nghiêm trọng của bệnh trong cộng đồng. Bệnh ít khi dẫn đến tử vong nhanh chóng và không biểu hiện nguy kịch như bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư… nhưng tỉ lệ mắc bệnh lại rất cao, đồng thời là nguyên nhân chính gây đau, tàn phế và giảm chất lượng cuộc sống. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Anh Thư đã chỉ ra: “Những năm gần đây, ngoài sự gia tăng của nhóm các bệnh Xương Khớp của người có tuổi (do sự gia tăng tuổi thọ), còn có sự gia tăng đáng kể các bệnh này ở người trẻ tuổi (do sự thay đổi về kinh tế xã hội, thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống và lối sống).” Còn theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Ngọc, bệnh cơ xương khớp là nhóm bệnh rất phong phú. Hiện nay có tới hơn 100 loại bệnh cơ xương khớp khác nhau. Cứ có biểu hiện đau, sưng cơ xương khớp và hạn chế vận động là đã mắc bệnh lý cơ xương khớp. Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, uống nhiều bia rượu, ngồi làm việc quá lâu trong văn phòng, ít vận động hay tập thể thao quá sức… đều là những thói quen có hại góp phần làm bệnh cơ xương khớp xuất hiện và làm nặng bệnh. Thạc sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết: “Sụn là thành phần vô cùng quan trọng trong cấu tạo của khớp. Trong nhiều bệnh khớp, những phần sụn hư sẽ không có khả năng hồi phục. Việc điều trị hiện tại chỉ là giữ cho những phần sụn chưa hư chậm hư mà thôi. Có những biện pháp điều trị mà người ta nghĩ là có thể phục hồi được sụn hư như bơm tế bào gốc nhưng kết quả không như người ta mong đợi. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, điều trị vấn đề thoái hóa khớp tích cực.” Chính vì thế, bác sĩ Thư đã đưa ra lời khuyên: “Khi có các biểu hiện bất thường ở hệ thống Cơ, Xương, Khớp và các bộ phận liên quan đều nên đến các cơ sở Y tế có chuyên khoa Khớp để được xác định chẩn đoán, hướng dẫn cách điều trị và phòng ngừa thích hợp.” Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng khuyến cáo: “Đa số các bệnh cơ xương khớp là bệnh mạn tính, kéo dài, song có thể kiểm soát được triệu chứng. Lưu ý tái khám theo hẹn và các thuốc điều trị cần duy trì. Không tự động bỏ điều trị, ngay cả các trường hợp bệnh ổn định. Trường hợp chưa hiểu rõ nên trao đổi với bác sĩ nhằm cân nhắc lợi và hại giữa việc ngừng thuốc hoặc không hoặc lợi ích của mỗi phương pháp điều trị.” Dưới đây là một số thống kê từ chương trình “Tư vấn các bệnh về khớp”: Thu Ngân